Từ đường họ Lê ở làng Luật Chánh - Ảnh: Hoàng Trọng
|
Đó là trường hợp của Thượng thư bộ Hình triều Tây Sơn Lê Công Miễn (1739 - 1800) và cháu là Lê Đại Cang (1771 - 1847) từng giữ các chức vụ Thượng thư bộ Binh, tổng đốc... của triều Nguyễn.
Người soạn luật của triều Tây Sơn
Theo gia phả dòng họ Lê (nguyên bản bằng chữ Hán), thủy tổ họ Lê ở làng Luật Chánh là ông Lê Công Triều, gốc Nghệ An, từng làm quan hiển hách ở triều Lê, sau theo chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp tại vùng đất thuộc Bình Định ngày nay. Ông Lê Công Miễn thuộc đời thứ 6 của họ Lê.
Năm 10 tuổi, Lê Công Miễn đã thông sách sử, năm 16 tuổi ra kinh thành Phú Xuân học với thầy Trịnh Quang. Thái giám Liêu Thái Hầu Nguyễn Quang Vinh thấy ông hiếu học nên mến mộ rồi đem về nuôi. Ông Miễn là người uyên bác về kinh điển, danh sĩ ở kinh kỳ ai cũng nhường nhưng lại thi ba lần không đậu nên phải dạy học kiếm sống. Khi chúa Trịnh chiếm được Phú Xuân, cho người đến mời nhưng ông lánh vào Quảng Nam. Sau khi xưng là hoàng đế ở thành Đồ Bàn, Nguyễn Nhạc cho sứ giả mang lễ vật đến mời ông ra tham chính. Năm 1784, Lê Công Miễn ra mắt Nguyễn Nhạc và được giao làm Hàn lâm viện Thị độc, có nhiệm vụ “mật trực thụ thư”, tức giảng sách cho nhà vua.
Năm 1795, vua Cảnh Thịnh triệu ông ra Phú Xuân bổ làm đô ngự sử, phụ trách viện Đô sát và dạy vua ở Viện Kinh Diên. Một năm sau, ông được cử làm Hình bộ Thượng thư. Trong thời gian này, thấy luật nhà Tây Sơn không thống nhất, Thượng thư Lê Công Miễn đã tham khảo luật lệ nhà Thanh và luật thời Hồng Đức, soạn ra bộ Hình luật, nhưng chưa kịp áp dụng thì ông đã qua đời. Tuy nhiên, các sách và bộ Hình luật của ông không còn được lưu giữ đến ngày nay. “Hồi trước, sách sổ do cụ Lê Công Miễn để lại còn nhiều nhưng chiến tranh loạn lạc mất dần hết”, ông Lê Thanh Độ, người giữ từ đường họ Lê ngày nay, cho biết.
Theo nguồn Hoàng Trọng