Làng nghề truyền thống

Đan võng tàu thơm- Ký ức một làng nghề truyền thống

Đất Tuy Phước (Bình Định) từng nổi tiếng với các làng nghề đã có từ hơn 300 năm trước, một thời vang bóng xứ Đàng Trong. Nhưng qua bao cuộc chiến tranh và thay đổi của cuộc sống, nhiều làng nghề ly tán dần, nghề cha truyền con nối không giữ được, phương tiện sản xuất không còn và quan trọng hơn cả, cũng chẳng còn mấy ai tâm huyết với nghề. Nghề đan võng tàu thơm ở thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp là một trong số đó.

Bà Nguyễn Thị Non (60 tuổi) ở đội 5, là một trong ít những người Tuân Lễ cuối cùng còn say mê với nghề đan võng

         

         Làng nghề đan võng tàu thơm ở thôn Tuân Lễ có từ khá lâu và đã từng nổi tiếng khắp nơi không thua kém gì chiếc nón bài thơ của xứ Huế. Theo những cụ lớn tuổi ở đây cho biết, thưở ban đầu loại võng đặc biệt rất bền này chỉ dành cho hàng quan lại và giới địa chủ nhà giàu rối sau đó mới được phổ biến trong mọi tầng lớp nhân dân. Ông Nguyễn Nay (72 tuổi) một người có thâm niên gần 25 năm làm nghề đan võng tàu thơm ở thôn Tuân Lễ tâm sự : Vào thời kỳ vàng son của nghề, cả thôn có hơn 120 hộ dân thì nhà nhà đan võng, người người đan võng, bình quân mỗi ngày cung cấp ra thị trường gần cả trăm chiếc võng, bán khắp vùng Bình Định và đi các nơi như: Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Quãng Ngãi và Gia Lai…Nhưng bây giờ, làng đan võng Tuân Lễ chỉ còn lại trong ký ức của người dân nơi đây.

          Theo thống kê của chính quyền địa phương xã Phước Hiệp, hiện nay thôn Tuần Lễ có 554 hộ thì chỉ còn khoảng vài hộ vẫn tiếp nối nghề đan võng. Bà Nguyễn Thị Non (60 tuổi) ở đội 5, là một trong ít những người Tuân Lễ cuối cùng còn say mê với nghề đan võng. Giờ đây mỗi tháng bà Non chỉ đan được từ 1 đến 2 chiếc võng nhưng chỉ đan khi có người đặt hàng  không như ngày trước  mỗi tháng bà đan 4-5 chiếc. Bà bồi hồi kể lại: "Khi tôi sinh ra thì làng võng Tuân Lễ đã có tự bao giờ. Năm tôi lên 10 tuổi, tôi đã biết chẻ thơm, chẻ dây để phụ mẹ đan võng. Giá trị một chiếc võng thời đó rất cao, chứ không như bây giờ". Kể đến đó, bà Non thở dài như xót xa cho một làng nghề truyền thống đang dần mai một.

          Để làm nên một chiếc võng thơm tàu thành phẩm, những người đan cũng phải trải qua khá nhiều công đoạn. Nguyên liệu để đan võng cắt từ lá  tàu thơm, đem ngâm nước từ 10 đến 15 ngày tùy trời mưa nắng, rồi đem lên cạo hết lớp nhớt để lấy sợi tơ của thơm đem phơi nắng cho thật khô rồi mới đem ra đan võng. Cụ Trần Thị Két (75 tuổi), cũng là một trong những người đan võng có tiếng của Tuân Lễ, có gần 50 năm trong nghề, cho biết, võng Tuân Lễ không những nằm êm mà còn có độ bền rất lâu, có chiếc sử dụng đến 50 năm vẫn còn nguyên vẹn.

          Nhưng dù bền đấy, đẹp đấy. Bây giờ làng đan võng thôn Tuân Lễ hầu như chẳng còn mấy người giữ lấy nghề cổ truyền, bởi sản phẩm làm ra bị thị trường ít chấp nhận do hiện nay các loại võng đan bằng cước, bằng ni lông….xuất hiện ồ ạt và giá lại rẻ hơn. Tiền công để làm ra một chiếc võng chẳng là bao nhiêu so với đi làm những công việc khác. Bà Hà Thị Hường (65 tuổi), có thâm niên gần 30 năm làm nghề, than thở: “Bây giờ người ta toàn dùng võng bằng ni lông, sản phẩm làm ra chúng tôi biết bán cho ai ? Đã vậy chúng tôi phải đi mua nguyên liệu ở các tỉnh Phú Yên và Ninh Thuận với giá đắt hơn, chứ nguyên liệu tại địa phương hầu như không còn nên khi bán một chiếc võng tàu thơm chẳng lời lãi được bao nhiêu !” Hiện tại, nguồn nguyên liệu để làm ra một chiếc võng tàu thơm có giá khoảng 150 ngàn đồng và mỗi người đan võng phải mất từ 6 đến 7 ngày mới hoàn thành một sản phẩm. Do vậy, cứ mỗi chiếc võng bán được, người đan võng chỉ lời khoảng 200.000 – 250.000 đồng, tính ra thu nhập được chừng 30.000 - 35.000 đồng người/ngày.

         Không cạnh tranh nổi với võng "thị trường", võng tàu thơm Tuân Lễ dần mai một và đang đứng trước nguy cơ biến mất. Những người có tâm huyết với làng nghề, như: bà Non, bà Két….vẫn khẳng định “Sau mùa màng rảnh rỗi, không ngồi đan võng thì làm cái gì? Võng đan xong khó bán nhưng dù sao cũng giữ được cái nghề của cha ông." Tuy nhiên, khi họ mất đi thì nghề đan võng truyền thống còn mấy ai nối nghiệp ? và khi đó lời bài hát “…..Thương ai, thương ai mà thương ai đan võng tàu thơm. Để anh nằm, để anh nằm, để nhớ, nhớ lời mẹ ru năm nào….” Chỉ còn là trong ký ức./.

NGỌC HOÀNG TV TUY PHƯỚC 

 

Ngày đăng: 04/02/2023 - 11:16

LIÊN KẾT

LƯỢT TRUY CẬP

 Đang truy cập: 18

 Hôm nay: 13321

 Tháng này: 13082

 Tổng cộng: 429441

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ PHƯỚC HIỆP

Địa chỉ: huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Điện thoại: - Email: .binhdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm nội dung: